Hiện nay có ba nhóm phân chính được dùng để bón cho cây trồng: phân hữu cơ, phân vô cơ (phân hóa học) và phân vi sinh. Trong đó phân chuồng (một trong những loại phân hữu cơ) là nhóm phân bón được sử dụng rộng rãi nhất. Vậy phân chuồng là gì? Finom sẽ phân tích và hướng dẫn bà con cách ủ phân chuồng hiệu quả qua bài viết sau đây.
Phân chuồng là gì?
Phân chuồng có nguồn gốc từ chất thải động vật cùng các loại phế phẩm nông nghiệp (cỏ, rơm, rau…), phân bắc, rác thải hữu cơ… Trong phân chuồng chứa nhiều chất dinh dưỡng có giá trị như Nitơ, Photpho, Lưu Huỳnh, Kali… Đây là một trong những loại phân bón hữu cơ truyền thống và được sử dụng rộng rãi trong nông nghiệp vì mang lại nhiều lợi ích đáng kể và ít gây tác hại đến môi trường xung quanh.
Phân chuồng phải trải qua quá trình phân giải của vi sinh vật rồi mới tiến hành bón cho cây vì phân tươi thường chứa nhiều mầm mống sâu, bệnh, cỏ dại và hiệu quả mang lại không cao. Ngoài ra cây trồng còn đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng làm giảm năng suất và chất lượng thành phẩm.
Các loại phân chuồng phổ biến hiện nay
Phân bò: loại phân có giá trị kinh tế cao và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây trồng, ngoài ra chúng còn được dùng để cải tạo đất trong nông nghiệp.
- Ưu điểm: Giữ độ ẩm cho đất, giúp tơi xốp và tăng độ mùn cho đất, kết cấu giá thể (phân bò đã ủ, đất…) không bị rời rạc hoặc kết quá chặt (vón, cục…), hạn chế cây bị thối rễ, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt.
- Nhược điểm: vì thức ăn của bò là thực vật nên chúng ta cần xử lý kỹ phân bò trước khi sử dụng, nếu không sẽ tạo cơ hội cho cỏ dại sinh trưởng và phát triển.
- Cách dùng: Dùng phân bò khô để bón lót trước khi trồng. Phân bò phù hợp cho các loại cây lâu năm (xoài, ổi, mít…), cây cảnh, cây ngắn ngày (đậu bắp, cà chua, chuối…)
Phân gà:
- Ưu điểm: Cải tạo đất, giảm độ mặn, độ chua và giúp giữ ẩm tốt, tăng độ phì nhiêu, tăng sức đề kháng, giảm bệnh gây hại cho cây và rễ cây, tăng tỉ lệ thụ phấn, đậu trái thành công và tăng sản lượng cho nông sản, chứa hàm lượng Kali và khoáng chất cao
- Nhược điểm: Nếu bón quá nhiều: nhẹ thì cháy rễ còn nặng thì chết cây, phân gà chưa xử lý chứa các nấm bệnh tuyến trùng có hại
- Cách dùng: Kết hợp với các loại phân hữu cơ để bón thúc. Bón bằng cách xới đất, rải phân rồi cào đều phân chung với đất. Nếu đất khô thì cần tưới ẩm đủ sau khi bón phân. Phân gà phù hợp với một số loại cây như cây lâu năm (xoài, ổi, mít…), cây cảnh, cây ngắn ngày (đậu bắp, cà chua, chuối…).
Phân dê: được đánh giá là loại phân chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và cân đối. Trung bình 1 tấn phân dê chứa 22kg nitơ và nhiều chất dinh dưỡng khác: NPK, khoáng, vi lượng và hệ vi sinh vật có lợi.
- Ưu điểm: Tăng độ màu mỡ cho đất, nâng cao năng suất cây trồng, giảm lượng dư chất hóa học trong đất.
- Nhược điểm: Vì dê là động vật ăn cỏ, bao gồm cả cỏ khô và cỏ tươi nên phân của chúng có thể chứa hạt cỏ dại, vì vậy nên ủ phân dê để phá huỷ những hạt giống cỏ dại có trong phân trước khi sử dụng.
- Cách dùng: Ngâm phân với nước rồi tưới hằng ngày, chất dinh dưỡng hòa tan trong đất được nhanh hơn và ít gây nguy hại cho cây. Phân dê phù hợp với một số loại cây như hoa hồng, hoa lan, rau màu…
Cách ủ phân chuồng hiệu quả
Ủ NÓNG
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu: Phân chuồng cần được ủ, nước sạch, dụng cụ đảo trộn. Địa điểm ủ phân cách xa khu nhà. Sau đó chúng ta chất phân thành lớp và không được nén chặt lại.
- Bước 2: Dùng nước sạch tưới lên phân (độ ẩm khoảng 60 – 70%)
- Bước 3: Sử dụng thêm 1% vôi bột và 1-2% supe lân để trộn thêm (cân bằng độ pH).
- Bước 4: Dùng bùn phủ kín và mỗi ngày tưới lượng nước để giữ ẩm cho phân. Sau 30-40 ngày là có thể sử dụng.
Ủ NGUỘI
- Bước 1: Xếp phân thành lớp và mỗi lớp rắc thêm 1–2% phân lân và nén chặt lại.
- Bước 2: Dùng bùn phủ kín bên ngoài để tránh mưa và sau 5-6 tháng có thể sử dụng được. Hoặc chúng ta có thể trộn thêm một số loại men vi sinh để rút ngắn thời gian ủ.