ĐỘ PH LÀ GÌ VÀ Ý NGHĨA CỦA CHỈ SỐ NÀY

Sự thiếu hụt chất dinh dưỡng ở cây trồng là một vấn đề bà con nào cũng quan tâm, bởi không chỉ khó xác định mà còn khó khắc phục một cách hiệu quả. Khi quan sát bằng mắt thường, cây sẽ có triệu chứng giống hoặc tương tự nhau khi thiếu các chất dinh dưỡng khác nhau như vàng lá, mép lá nâu hoặc cây sinh trưởng còi cọc. 

Để giúp hạn chế tình trạng này trên vườn, bà con nên có thói quen kiểm tra các thông số cơ bản trên vườn mỗi ngày để phát hiện và ngăn ngừa sự thiếu hụt chất dinh dưỡng sớm. Các thông số cơ bản cần kiểm tra mỗi ngày bao gồm: độ pH, độ dẫn điện EC và nhiệt độ vùng rễ cây trồng.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về độ pH một cách chi tiết, xem điều gì sẽ xảy ra với cây trồng khi độ pH quá cao hoặc quá thấp, cũng như cách điều chỉnh trong môi trường trồng như thế nào?

Độ pH là gì?

pH là thang đo được sử dụng để xác định tính axit hoặc kiềm của dung dịch hoặc chất nền (đất/ giá thể). Khi bạn thực hiện phép đo pH, môi trường có tính axit khi độ pH nằm trong khoảng 0 đến 7, nếu nằm trong khoảng 7 đến 14 tức môi trường có tính kiềm, và khi pH đạt 7.0 được xem là môi trường trung tính.

 

Vai trò của độ pH trong quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của cây

Tất cả các loại cây trồng cần được hấp thụ nhiều loại chất dinh dưỡng để có thể phát triển tốt. Cho dù bà con trồng thủy canh hay trong đất hoặc giá thể, độ pH sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin về chất dinh dưỡng của cây.

Để cây trồng hấp thu được, các chất dinh dưỡng phải được hòa tan trong nước, và mỗi loại chất dinh dưỡng sẽ có một phạm vi pH ưu thích. Nếu ngoài phạm vi này, cây sẽ không hấp thụ được, dẫn đến tình trạng bị khóa dinh dưỡng.

  • Đối với thủy canh, dung dịch dinh dưỡng có độ pH nằm trong khoảng 5.8 đến 6.5.
  • Đối với cây trồng trong đất/ giá thể, vùng rễ có độ pH nằm trong khoảng 6.5 đến 7.

Ảnh hưởng của độ pH đến cây khi không chính xác

Nếu độ pH quá thấp, bà con có thể thấy các biểu hiện của cây như: lá đốm vàng, chết hoặc còi cọc, cháy ngọn. Khi pH thấp, môi trường có tính axit quá cao, có thể dẫn đến độc tính của sắt hoặc mangan, thiếu hụt magie, canxi và phốt pho.
Nếu độ pH quá cao, bà con có thể thấy các biểu hiện của cây như lá có màu vàng giữa các gân lá, đốm nâu hoặc vàng, hoại tử dần dần và lá héo hoặc quăn. Khi độ pH cao, môi trường có tính kiềm quá cao, có thể dẫn đến sắt, canxi hoặc hợp chất phốt phát kết tủa, do đó cây trồng không hấp thụ được; ngoài ra cây có thể bị thiếu đồng hoặc kẽm. 

Cách làm giảm độ pH

Khi nhận thấy độ pH đang tăng lên mỗi ngày, có một số cách để điều chỉnh như sau:

  • Nếu trồng trong môi trường thủy canh: Phương pháp phổ biến để giảm độ pH của dung dịch dinh dưỡng là sử dụng một loại axit như axit photphoric (H3PO4) hoặc axit nitric (HNO3). Tùy thuộc vào giai đoạn phát triển của cây trồng mà chọn loại axit phù hợp. Ở giai đoạn phát triển, bà con nên chọn axit nitric (HNO3). Ở giai đoạn ra hoa, nên chọn axit photphoric H3PO4).
    Lưu ý trước khi thêm vào dung dịch, bà con phải PHA LOÃNG theo tỷ lệ 1:10 (1 axit, 10 nước). Sau đó, thêm từ từ dung dịch axit đã pha loãng vào và lặp lại các phép đo pH để không quá mức mục tiêu. Luôn đeo găng tay và kính bảo vệ mắt khi sử dụng bất kỳ loại axit nào.

  • Nếu trồng trong môi trường đất/ giá thể: Đối với môi trường đất/ giá thể, bà con cũng cần bổ sung một loại axit để giảm độ pH. Tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp mà chọn loại axit phù hợp. Lựa chọn thường được sử dụng là lưu huỳnh. Khi sử dụng nó sẽ phân hủy chậm, độ pH trong đất/ giá thể sẽ giảm từ từ, vì các vi khuẩn trong đất/ giá thể cần thời gian để phân hủy lưu huỳnh thành axit sunfuric, axit này sẽ làm giảm độ pH. Để độ pH giảm nhanh hơn, bà con có thể sử dụng nhôm sunfat (Al2(SO4)3). Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều vì có thể gây nhiễm độc cho đất/ giá thể.

Cách làm tăng độ pH

Khi nhận thấy độ pH quá thấp, có một số cách để điều chỉnh như sau:

  • Nếu trồng trong môi trường thủy canh: Phương pháp phổ biến để tăng độ pH của dung dịch dinh dưỡng là bổ sung bicarbonate bằng cách sử dụng Kali Silicat (K2SiO3). Ngoài ra, tại Việt Nam, KOH cũng là một loại hóa chất phổ biến được sử dụng để tăng độ pH trong giá thể. Lưu ý trước khi thêm vào dung dịch, bà con phải PHA LOÃNG theo tỷ lệ 1:10 (1 axit, 10 nước). Sau đó, thêm từ từ dung dịch axit đã pha loãng vào và lặp lại các phép đo pH để không quá mức mục tiêu. Luôn đeo găng tay và kính bảo vệ mắt khi sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào.
  • Nếu trồng trong môi trường đất/ giá thể: Đối với môi trường đất/ giá thể, việc tăng độ pH (thường được gọi là bón vôi) cũng tùy thuộc vào mức độ khẩn cấp mà chọn loại hóa chất phù hợp.   Phổ biến nhất là sử dụng đá vôi (CaCO3) với nhiều hình thức khác nhau, sẽ ảnh hưởng đến sự thay đổi độ pH khác nhau. Vôi nghiền thành bột là nhanh nhất, vì được nghiền mịn và sẽ được đất/ giá thể hấp thụ nhanh chóng. Vôi viên hoặc vôi hạt sẽ phân hủy với tốc độ chậm hơn, làm tăng dần độ pH của đất/ giá thể. Một lựa chọn khác là sử dụng tro. Tro có thể không hiệu quả bằng vôi, nhưng sẽ làm tăng dần độ pH của đất/ giá thể theo thời gian và là một lựa chọn tiết kiệm chi phí. Luôn đeo găng tay và kính bảo vệ mắt khi sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào vì vôi hoặc tro có thể gây kích ứng da và đường hô hấp.

 

Chia sẻ ngay:

Mục lục

CÔNG TY CỔ PHẦN FINOM

Hotline: 1900 5053

Hotline: 0263 730 5868

Email: info@finom.vn

Văn phòng Đà Lạt : 32/24 Mai Anh Đào, Phường 8, TP. Đà Lạt, Lâm Đồng, Việt Nam

Văn phòng TP. Hồ Chí Minh: 78/15 Hồ Bá Phấn, P. Phước Long A, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh

TIN TỨC KHÁC
DANH MỤC SẢN PHẨM
Các trang liên quan