HƯỚNG DẪN CHĂM SÓC VÀ PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH RAU THUỶ CANH

0  Bình luận | 03/07/2021

Ở tập trước, chúng tôi đã hướng dẫn bà con cách ươm hạt xà lách thuỷ canh để đạt tỷ lệ nảy mầm cao. Bà con nào bỏ lỡ có thể tìm hiểu lại tại đây.

Hôm nay, chúng tôi sẽ hướng dẫn cách quản lý sâu bệnh trên rau thuỷ canh như thế nào!

CÁCH QUẢN LÝ SÂU BỆNH TRÊN RAU THỦY CANH

1. Dòi đục lá:

Đặc điểm nhận dạng: Con trưởng thành có màu đen bóng, trứng rất nhỏ, có màu trắng trong sau chuyển màu vàng nhạt, ấu trùng dạng dòi màu trắng trong. 

Cách gây hại: Con cái dùng gai đẻ trứng dưới biểu bì lá và chích hút nhựa cây. Ấu trùng ăn thịt lá giữa hai mặt lá tạo thành những đường màu trắng, ngoằn ngoèo. Nếu bị gây hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, giảm năng suất cây trồng.

 

Biện pháp quản lý: 

+ Vệ sinh sạch khu vực trồng, dọn tàn dư cây và tiêu hủy. 

+ Sử dụng các biện pháp xua đuổi như treo tinh dầu xả. 

+ Sử dụng bẫy chỉ thị màu vàng xác định mật số côn trùng để đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời. 

+ Một số loại thuốc hiệu quả: Radiant... 

2. Bọ phấn:

Đặc điểm nhận dạng: Bọ phấn là loại côn trùng có kích thước nhỏ, màu trắng, thành trùng có cánh thường di chuyển bằng cách bay từ cây này sang cây khác. Trứng có màu trắng trong thường được đẻ dưới tán lá. Bọ phấn thường sống dưới tán lá cây, chích hút và gây hại.
Cách gây hại: Bọ phấn là loại côn trùng chích hút, thường hút nhựa cây để sống.

- Biện pháp quản lý: 

+ Thường xuyên vệ sinh các lá già, vàng úa, tạo sự thông thoáng, hạn chế côn trùng trú ẩn dưới bề mặt lá. 

+ Dùng bẫy màu vàng để theo dõi mật số côn trùng, nếu mật số quá cao có thể dùng thuốc hóa học để quản lý với liều lượng thích hợp, và đảm bảo thời gian cách ly. 

+ Một số loại thuốc có hiệu quả: Closer... 

3. Bọ trĩ:

Đặc điểm nhận dạng: thành trùng của bọ trĩ thường có màu vàng đến đen, ấu trùng thường có màu trắng hoặc vàng nhạt. Cả thành trùng và ấu trùng đều có kích thước rất nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Con trưởng thành dài 1-2mm. 

Cách gây hại: Chúng thường xuất hiện ở đỉnh sinh trưởng, bộ phận non của cây, chích hút nhựa cây để sống, làm cho đỉnh sinh trưởng bị còi cọc, kém phát triển. 

Biện pháp quản lý: 

+ Dùng bẫy để theo dõi mật số côn trùng, nếu mật số quá cao có thể dùng thuốc hóa học để quản lý với liều lượng thích hợp, và đảm bảo thời gian cách ly. 

+ Một số loại thuốc có hiệu quả: Radiant... 

4. Rầy mềm
Đặc điểm nhận dạng: là loài côn trùng có dạng hình quả lê, kích thước nhỏ, thường có màu trắng trong hoặc xanh nhạtthường xuất hiện ở mặt dưới lá.

Cách gây hại: chúng thường chích hút nhựa cây để sống, rầy mềm thường tiết ra dịch ngọt thu hút nấm bồ hóng phát triển, phủ lên lá cây gây ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây trồng. 

Biện pháp tròng trừ: có thể thu hái những lá có rầy mềm trú ẩn đi tiêu hủy. Thu nhặt những lá cây vàng úa, tạo sự thông thoáng, không tạo điều kiện cho rầy phát triển và sinh sản. 

5. Bệnh do nấm hại rễ:

Nguyên nhân: Thời tiết nắng nóng, gây ra hiện tượng dung dịch dinh dưỡng bị nóng lên, dung dịch thiếu oxy, làm ảnh hưởng đế quá trình hô hấp của rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển. 

Biểu hiện: Đầu rễ hóa nâu, rễ bị hư thối, kém phát triển. Cây biểu hiện lá bị héo một phần hay toàn phần đặc biệt khi trời nắng nóng, giảm năng suất. Khi bị ảnh hưởng nặng có thể làm chết cây. 

Biện pháp quản lý: 

+ Kiểm soát nhiệt độ dung dịch dinh dưỡng trong các máng trồng không vượt quá 280C. Có thể sử dụng thiết bị làm lạnh nếu cần thiết. 

+ Đối với những vùng nắng nóng không nên thiết kế hệ thống máng trồng quá dài, làm cho lượng nước ở cuối máng dễ bị nóng. 

+ Vệ sinh sạch tàn dư thực vật, tảo trong dung dịch thủy canh, thường xuyên vệ sinh bồn chứa để hạn chế lưu tồn mầm bệnh. 

+ Vệ sinh sạch hệ thống máng trồng sau mỗi vụ, khử trùng trước khi trồng vụ mới. 

6. Cháy, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật:
Biểu hiện: lá có nhiều đốm hoại tử hoặc mép lá bị cháy sau khi phun thuốc. 

Nguyên nhân:
+ Do sử dụng thuốc quá liều.
+ Do phun không đúng cách gây ra hiện tượng thuốc bị đọng ở mép lá. 

+ Do sử dụng và phối trộn thuốc không đúng cách. 

- Biện pháp quản lý: Trong trường hợp phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cần lưu ý những vấn đề sau. 

+ Chỉ nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát khi không còn ánh nắng mặt trời và gió nhẹ. 

+ Kiểm tra cẩn thận về nồng độ thuốc và liều lượng pha, cách phối trộn để tránh gây phản ứng mạnh đối với cây trồng. 

+ Vệ sinh bình đã phun các loại thuốc khác trước khi bắt đầu phun xịt đợt mới. 

Nếu có thắc mắc trong quá trình thực hiện các chỉ dẫn kỹ thuật, quý khách hàng vui lòng liên hệ bộ phận kỹ thuật của Công ty TNHH Finom để nhận sự hỗ trợ.

Mr. Tài, ĐT: 0917 921 956
Ms. Hàng, ĐT: 0949 237 733

icon

Tổng đài hỗ trợ (8h00 - 22h00)

Email: info@finom.vn
icon