Thủy canh là kỹ thuật trồng rau không cần dùng đất, được trồng trực tiếp vào giá thể (xơ dừa, than bùn, đá perlite, đá pumice, trấu…). Trồng bằng phương pháp thuỷ canh là phương pháp an toàn cho cây, gần như cách ly hoàn toàn với sâu bệnh. Từ khi gieo hạt đến khi thu hoạch từ 40 – 45 ngày. Phương pháp trồng rau thuỷ canh là một mô hình hiệu quả cần được nhân rộng, góp phần đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn và chất lượng, từ đó bảo vệ sức khoẻ cho cộng đồng.
Sự khác nhau giữa trồng rau thủy canh và thổ canh
THỔ CANH | THỦY CANH |
Đất là nơi cung cấp chất dinh dưỡng chính cho cây | Nước dạng dung dịch dinh dưỡng cung cấp chất dinh dưỡng chính cho cây |
Bổ sung dinh dưỡng bằng cách bón phân theo từng giai đoạn phát triển của cây | Bổ sung dinh dưỡng thông qua dịch dinh dưỡng cung cấp hằng ngày trong suốt quá trình sinh trưởng của cây |
Diện tích trồng giới hạn trên mặt đất | Diện tích trồng tận dụng được tối đa không gian |
Thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật do khó kiểm soát mầm bệnh và cỏ dại | Hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật |
Chi phí thấp | Chi phí cao |
Các loại rau phù hợp để trồng rau thủy canh: rau muống, rau xà lách, cải ngọt, cải bó xôi, cải xanh, rau dền, rau cải thìa, rau đay, cải kale, cải hoa hồng…
Hướng dẫn ươm hạt giống rau thủy canh
Các dụng cụ cần để ươm hạt giống thủy canh
- Khay nhựa
- Rọ thuỷ canh
- Xơ dừa đã xử lý/ giá thể chuyên dụng trồng rau thuỷ canh
- Hạt giống
Các bước ươm hạt giống thủy canh
- Bước 1: Chuẩn bị giá thể, hạt giống và dụng cụ ươm hạt (rọ thuỷ canh)
Thông thường khi ươm hạt xà lách thủy canh, chúng ta sẽ sử dụng loại giá thể đã xử lý, chuyên dùng để ươm cây, giúp hạn chế mầm bệnh hại cây trồng.
Loại giá thể này có ẩm độ tương đối phù hợp với việc ươm cây, tuy nhiên có thể bổ sung thêm nước sạch để làm tăng độ ẩm của giá thể, lượng nước thêm vào tuỳ thuộc vào độ ẩm sẵn có của giá thể, thêm nước và trộn đến khi dùng tay bóp nhẹ phần giá thể thấy nước vừa rịn qua kẻ tay là thích hợp để ươm hạt giống.
Về hạt giống, bạn nên sử dụng các giống xà lách chuyên dùng cho canh tác thủy canh. Ở đây chúng tôi dùng loại hạt được bọc men và xử lý tiền nảy mầm, thuận tiện cho việc gieo hạt, đảm bảo tỷ lệ nảy mầm tốt, đồng đều, cây có sức sống cao.
Loại rọ thuỷ canh sử dụng ươm hạt giống là rọ chuyên dụng, có kích thước phù hợp với máng thuỷ canh, thường được sử dụng là loại rọ có đường kính đáy 3.5 cm, đường kính miệng 4.5 cm, chiều cao 5 cm, xuất xứ từ Speedy Access (Thái Lan), là loại nhựa uPVC chịu nhiệt, chống lão hóa và tia UV.
- Bước 2: Ươm hạt giống
Cho phần giá thể đã chuẩn bị vào rọ ươm với một lượng vừa đủ, tầm 2/3 rọ, không nên cho quá ít hoặc quá nhiều, vì nếu cho quá nhiều khi rau có rễ mình tưới rễ sẽ bật lên khỏi rọ, hoặc cho quá ít giá thể sẽ không đủ giữ cây đứng thẳng, dễ bị đổ, lưu ý không nên nén quá chặt hoặc quá lỏng lẻo.
Sau đó sử dụng một que để tạo một hốc nhỏ ở giữa bề mặt giá thể, đặt hạt giống vào hốc và phủ một lớp mỏng giá thể trên mặt. Gieo hạt không quá sâu cũng không quá cạn để đảm bảo điều kiện tốt nhất cho hạt nảy mầm.
- Bước 3: Đặt các rọ đã gieo hạt lên bàn ươm.
Thời gian ươm cây sẽ từ 7-10 ngày, khi cây cao khoảng 3cm, rễ khoảng 2cm và cây có từ 2-3 lá thật, chúng ta kết thúc quá trình ươm cây và chuyển sang chăm sóc cây non.
Cách chăm sóc rau thủy canh giai đoạn ươm cây
Về hạt xà lách khi được ươm trong rọ thủy canh, ta sẽ tiến hành như sau:
- Từ 1-2 ngày đầu, ta quan sát độ ẩm của giá thể, nếu giá thể khô thì chúng ta tiến hành bổ sung thêm nước trắng bình thường.
- Giai đoạn cây chưa ra lá thật thì không cần phải tưới dinh dưỡng (3-5 ngày sau, cây ra hai lá mầm chỉ cần tưới nước trắng bình thường).
- Vào giai đoạn cây ra lá thật khoảng 5mm, ta tiến hành tưới phân với nồng độ dinh dưỡng EC từ 0.5-1.
Hệ thống tưới Ebb & Flow trong mô hình trồng rau thủy canh
Hệ thống tưới EBB & FLOW (Ngập và rút nước): Theo thời gian định kỳ, dung dịch thủy canh (hay phân bón thủy canh) sẽ được bơm lên máng trồng và được giữ trong máng trong thời gian nhất định. Trong thời gian này, rễ cây hấp thụ dinh dưỡng xung quanh trước khi dung dịch được xả đi. Thông thường, chúng ta có thể kết nối máy bơm với một đồng hồ (timer) để tự động hóa hóa quy trình châm dinh dưỡng.
Về kết cấu bàn ươm: Một van cung cấp dinh dưỡng cho bàn, van còn lại để thoát nước. Máy bơm chìm được kết nối với bộ đếm thời gian giúp bơm ngập nước vào rễ cây. Tuần tự như vậy, chu kỳ bơm, rút được diễn ra giúp cây không bao giờ thiếu nước. Bàn dốc khoảng 2 độ từ phía đầu máy bơm sang vị trí thoát nước để tăng khả năng thoát nước cho bàn ươm. Khi độ cao mực nước khoảng 1cm, chúng ta ngâm dung dịch trong vòng 30 phút để rễ cây hút từ từ dung dịch dinh dưỡng, sau đó xả nước thoát đi.
Khoảng vài ngày chúng ta tưới một lần tùy vào điều kiện thời tiết, bà con nên thường xuyên kiểm tra độ ẩm của giá thể để cây không trong tình trạng thiếu nước. Sau khoảng 10 – 15 ngày, khi rễ cây dài khoảng 2 – 4cm, cây có từ 2 – 3 lá thật thì chúng ta bắt đầu đưa cây ra bàn trồng.
Cách quản lý sâu bệnh trên rau thủy canh
Dòi đục lá:
- Đặc điểm nhận dạng: Con trưởng thành có màu đen bóng, trứng rất nhỏ, có màu trắng trong sau chuyển màu vàng nhạt, ấu trùng dạng dòi màu trắng trong.
- Cách gây hại: Con cái dùng gai đẻ trứng dưới biểu bì lá và chích hút nhựa cây. Ấu trùng ăn thịt lá giữa hai mặt lá tạo thành những đường màu trắng, ngoằn ngoèo. Nếu bị gây hại nặng sẽ làm giảm khả năng quang hợp, giảm năng suất cây trồng.
- Biện pháp quản lý:
+ Vệ sinh sạch khu vực trồng, dọn tàn dư cây và tiêu hủy.
+ Sử dụng các biện pháp xua đuổi như treo tinh dầu xả.
+ Sử dụng bẫy chỉ thị màu vàng xác định mật số côn trùng để đưa ra biện pháp phòng trừ kịp thời.
+ Một số loại thuốc hiệu quả: Radiant…
Bọ phấn:
- Đặc điểm nhận dạng: Bọ phấn là loại côn trùng có kích thước nhỏ, màu trắng, thành trùng có cánh thường di chuyển bằng cách bay từ cây này sang cây khác. Trứng có màu trắng trong thường được đẻ dưới tán lá. Bọ phấn thường sống dưới tán lá cây, chích hút và gây hại.
- Cách gây hại: Bọ phấn là loại côn trùng chích hút, thường hút nhựa cây để sống.
- Biện pháp quản lý:
+ Thường xuyên vệ sinh các lá già, vàng úa, tạo sự thông thoáng, hạn chế côn trùng trú ẩn dưới bề mặt lá.
+ Dùng bẫy màu vàng để theo dõi mật số côn trùng, nếu mật số quá cao có thể dùng thuốc hóa học để quản lý với liều lượng thích hợp, và đảm bảo thời gian cách ly.
+ Một số loại thuốc có hiệu quả: Closer…
Bọ trĩ:
- Đặc điểm nhận dạng: thành trùng của bọ trĩ thường có màu vàng đến đen, ấu trùng thường có màu trắng hoặc vàng nhạt. Cả thành trùng và ấu trùng đều có kích thước rất nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thường. Con trưởng thành dài 1-2mm.
- Cách gây hại: Chúng thường xuất hiện ở đỉnh sinh trưởng, bộ phận non của cây, chích hút nhựa cây để sống, làm cho đỉnh sinh trưởng bị còi cọc, kém phát triển.
- Biện pháp quản lý:
+ Dùng bẫy để theo dõi mật số côn trùng, nếu mật số quá cao có thể dùng thuốc hóa học để quản lý với liều lượng thích hợp, và đảm bảo thời gian cách ly.
+ Một số loại thuốc có hiệu quả: Radiant…
Rầy mềm
- Đặc điểm nhận dạng: là loài côn trùng có dạng hình quả lê, kích thước nhỏ, thường có màu trắng trong hoặc xanh nhạt, thường xuất hiện ở mặt dưới lá.
- Cách gây hại: chúng thường chích hút nhựa cây để sống, rầy mềm thường tiết ra dịch ngọt thu hút nấm bồ hóng phát triển, phủ lên lá cây gây ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây trồng.
- Biện pháp tròng trừ: có thể thu hái những lá có rầy mềm trú ẩn đi tiêu hủy. Thu nhặt những lá cây vàng úa, tạo sự thông thoáng, không tạo điều kiện cho rầy phát triển và sinh sản.
Bệnh do nấm hại rễ:
- Nguyên nhân: Thời tiết nắng nóng, gây ra hiện tượng dung dịch dinh dưỡng bị nóng lên, dung dịch thiếu oxy, làm ảnh hưởng đế quá trình hô hấp của rễ, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển.
- Biểu hiện: Đầu rễ hóa nâu, rễ bị hư thối, kém phát triển. Cây biểu hiện lá bị héo một phần hay toàn phần đặc biệt khi trời nắng nóng, giảm năng suất. Khi bị ảnh hưởng nặng có thể làm chết cây.
- Biện pháp quản lý:
+ Kiểm soát nhiệt độ dung dịch dinh dưỡng trong các máng trồng không vượt quá 280C. Có thể sử dụng thiết bị làm lạnh nếu cần thiết.
+ Đối với những vùng nắng nóng không nên thiết kế hệ thống máng trồng quá dài, làm cho lượng nước ở cuối máng dễ bị nóng.
+ Vệ sinh sạch tàn dư thực vật, tảo trong dung dịch thủy canh, thường xuyên vệ sinh bồn chứa để hạn chế lưu tồn mầm bệnh.
+ Vệ sinh sạch hệ thống máng trồng sau mỗi vụ, khử trùng trước khi trồng vụ mới.
Cháy, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật:
- Biểu hiện: lá có nhiều đốm hoại tử hoặc mép lá bị cháy sau khi phun thuốc.
- Nguyên nhân:
+ Do sử dụng thuốc quá liều.
+ Do phun không đúng cách gây ra hiện tượng thuốc bị đọng ở mép lá.
+ Do sử dụng và phối trộn thuốc không đúng cách.
- Biện pháp quản lý: Trong trường hợp phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì cần lưu ý những vấn đề sau.
+ Chỉ nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát khi không còn ánh nắng mặt trời và gió nhẹ.
+ Kiểm tra cẩn thận về nồng độ thuốc và liều lượng pha, cách phối trộn để tránh gây phản ứng mạnh đối với cây trồng.
+ Vệ sinh bình đã phun các loại thuốc khác trước khi bắt đầu phun xịt đợt mới.