Tưới nhỏ giọt là phương pháp tưới nước tập trung vào vùng rễ cây trồng. Phương pháp này đã được chứng minh tính ưu việt so với nhiều hệ thống tưới khác khi vừa có kết hợp hình thức tưới nước và bón phân tưới nhỏ giọt. Điều này giúp tối ưu hóa chi phí, giảm chi phí nhân công so với các phương pháp tưới thủ công, đồng thời giảm được sự lãng phí phân bón, không bị rửa trôi do mưa lớn hay tưới xả tràn sau khi bón phân.
Tuy nhiên, việc kết hợp bón phân tưới nhỏ giọt không phải lúc nào cũng được bà con hiểu và sử dụng đúng cách. Qua quá trình khảo sát và tư vấn cho bà con, chúng tôi nhận thấy bà con gặp rất nhiều sự cố liên quan đến hệ thống tưới do chưa sử dụng đúng phương pháp. Trong bài này, Finom sẽ tóm tắt một số nội dung cơ bản về kỹ thuật bón phân tưới nhỏ giọt để bà con tham khảo.
Cách bón phân tưới nhỏ giọt
Điều đầu tiên để có thể tưới phân qua hệ thống tưới (phân tưới nhỏ giọt) là cần có một bộ châm phân trong hệ thống tưới. Có nhiều dạng bộ châm phân khác nhau về nguyên lý vận hành, cách thiết kế lắp đặt và kỹ thuật vận hành, chúng tôi sẽ chia sẻ với bà con trong một bài viết khác. Bộ châm phân đơn giản nhất được sử dụng là venturi, với đường kính ren ống khác nhau (34mm, 49mm, 60mm) và nhiều phân khúc giá khác nhau. Qua kinh nghiệm lắp ráp và tư vấn, chúng tôi khuyến cáo bà con lựa chọn venturi có chất lượng tốt để đảm bảo hút phân chính xác, an toàn và hiệu quả.
Sử dụng phân bón nào khi bón phân tưới nhỏ giọt?
Sai lầm phổ biến nhất khi bà con bón phân tưới nhỏ giọt là lựa chọn loại phân bón không phù hợp, vì không phải loại phân bón nào cũng có thể sử dụng trong hệ thống tưới nhỏ giọt. Bà con chỉ được sử dụng các loại phân bón có độ tan tốt và được khuyến cáo chuyên sử dụng cho hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhiều bà con sử dụng các loại phân hạt, như NPK hạt (20-20-15, 16-16-8,..) hay Kali đỏ (KCl), hay DAP (18-46-0), thậm chí có khi bón cả phân chuồng (bò, dê) vào hệ thống tưới, và dễ dàng gặp vấn đề tắc nghẽn hệ thống tưới.
Các loại phân bón có thể sử dụng được trong hệ thống tưới như:
- Phân phức hợp: các loại phân NPK (dạng bột hoặc tinh thể), phân trung vi lượng dạng bột, phân dạng lỏng.
- Phân đơn: Đạm Canxi (Calcium Nitrate – Ca(NO3)2), MAP (12-61-0), MKP (0-52-34), Kali Sunphat (K2SO4), Kali Nitrate (K2SO4), các loại vi lượng EDTA (Fe, Cu, Zn, Mg, Ca), EDDHA Fe,…
Tuy nhiên, trên thị trường cũng có nhiều sản phẩm trên với nhiều chủng loại và chất lượng khác nhau, bà con chú ý sử dụng những loại phân bón của các nhà cung cấp có uy tín và nên hỏi rõ đại lý hoặc công ty cung cấp phân bón loại phân đó có phải phân tưới nhỏ giọt không.
Nguồn nước của phân tưới nhỏ giọt như thế nào là phù hợp?
Bà con đặc biệt chú ý kiểm tra nguồn nước tưới của mình trước khi canh tác. Một số chỉ tiêu quan trọng cần kiểm tra như pH, độ cứng, hàm lượng muối. Đối với các loại cây trồng trong nhà màng thì yêu cầu nghiêm ngặt hơn về các hàm lượng dinh dưỡng và khoáng chất khác, không nằm trong phạm vi của bài viết này.
Mỗi loại cây trồng có khoảng pH tối ưu riêng, tuy nhiên phổ biến nhất là pH từ 6 – 7. Nếu nguồn nước có tính kiềm, pH > 7 và acid < 6 thì bà con nên xử lý nguồn nước trước khi sử dụng hệ thống tưới để đảm bảo cây có thể hấp thụ tối ưu các loại nguyên tố dinh dưỡng.
Một số lưu ý về pH có ảnh hưởng như thế nào đến phân tưới nhỏ giọt
pH dung dịch
Dung dịch phân bón có mức pH khác nhau có thể tác động đến cây trồng hoặc hệ thống tưới nhỏ giọt. Khoảng pH tối ưu cho cây trồng là từ 5 – 7. Tác động của pH dung dịch phân bón đến hệ thống tưới nhỏ giọt như sau:
- pH < 5: Acid cao: Làm hư hỏng mắt nhỏ giọt và các bộ phận có nguyên liệu sản xuất từ Acetal
- 5 < pH < 6: Acid cao tương đối: Khi kết hợp với một số loại nguyên tố dinh dưỡng có thể làm hư hỏng mắt nhỏ giọt hoặc bộ phận có nguyên liệu sản xuất từ Acetal
- 6 < pH < 8: Trung tính: Các bộ phận và mắt nhỏ giọt hoạt động ổn định
- pH > 8: Kiềm: Khi kết hợp với một số nguyên tố dinh dưỡng có thể gây kết tủa, gây tắc mắt nhỏ giọt
pH đất
Yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả việc sử dụng phân tưới nhỏ giọt đó là pH của đất. Nếu không quản lý tốt pH đất sẽ dẫn đến nguy cơ cây trồng bị thiếu dinh dưỡng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của cây và hiệu quả sử dụng phân bón.
- Nếu pH đất thấp (< 5) thì cây trồng dễ dàng bị thiếu nhóm nguyên tố đa và trung lượng.
- Nếu pH đất cao (> 7.5), cây trồng có khả năng bị thiếu nguyên tố dinh dưỡng vi lượng.
Các loại cây trồng khác nhau có ngưỡng pH tối ưu khác nhau, thông thường khoảng pH tối ưu trong khoảng từ 6 – 7. Trước khi trồng, bà con cần kiểm tra pH đất của mình trước và xử lý đất nếu cần thiết. pH đất và độ hữu hiệu của các nguyên tố dinh dưỡng:
Phản ứng hóa học khi sử dụng phân tưới nhỏ giọt
Phản ứng giữa các loại phân bón
Phân bón dạng muối có thể phản ứng với các dạng muối khác tồn tại trong nước. Vì vậy, khi bà con sử dụng phân bón trong hệ thống tưới nhỏ giọt, cần phải lưu ý đến vấn đề phản ứng hóa học của các loại phân bón. Ví dụ, dưới điều kiện nước kiềm (chỉ số alkaline cao), các loại phân bón dạng lân (phosphorus) hoặc phân phosphate dễ dàng kết tủa với Ca2+ hoặc Mg2+ có trong nước, đặc biệt là nước cứng.
Có những loại phân bón khác nhau không thể pha trộn với nhau trong cùng một hỗn hợp dung dịch vì không tương hợp với nhau. Trong một số trường hợp, các loại phân bón không tương hợp với nhau dễ dàng phản ứng tạo chất rắn không hòa tan (kết tủa) làm tắc nghẽn lỗ nhỏ giọt và làm giảm nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển và sinh trưởng của cây trồng.
Ta có thể xem sơ đồ về tính tương hợp của các loại phân bón thường sử dụng trong hệ thống tưới nhỏ giọt như bên dưới:
Màu đỏ: không tương hợp
Màu xanh lá cây: tương hợp
Màu vàng: độ tan giảm
Sự bay hơi
Các loại phân bón chứa gốc Urea hoặc đạm Amoni dễ dàng bị thất thoát do Amonia (NH3) bay hơi. Thùng chứa phân hỗn hợp trên 4 ngày nên được che đậy kỹ càng để tránh thất thoát do bay hơi.
Những nguyên tắc khi tưới phân nhỏ giọt
Thứ nhất, bà con chỉ nên bắt đầu tưới phân qua hệ thống tưới khi hệ thống đã đủ áp suất hoạt động yêu cầu và chạy ổn định. Điều này có nghĩa là bà con phải đợi đến khi dòng nước đã chảy đến vị trí xa nhất trong đường ống và đạt đến áp suất yêu cầu thì mới tiến hành châm phân.
Thứ hai, bà con phải đảm bảo rằng thời gian châm phân phải đủ để để dung dịch phân bón đến được vị trí cây trồng xa nhất trên diện tích tưới. Thời gian tưới phân phụ thuộc vào kích thước nông trại, chiều dài luống trồng, đường ống và thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt của bà con.
Sau khi tưới phân, để giảm nguy cơ phân bón còn tồn trong hệ thống tưới gây lắng cặn, dễ tắc nghẽn hệ thống tưới, bà con có thể tưới bằng nước trong vòng 2 – 5 phút (tùy vào chiều dài đường ống và thiết kế hệ thống tưới). Nhưng lưu ý, tránh tưới nước trong thời gian quá lâu sau khi tưới phân vì khiến các chất dinh dưỡng thấm sâu xuống tầng đất dưới, ngoài phạm vi hoạt động của bộ rễ, gây lãng phí phân bón.