Phòng ngừa sâu bệnh trong nhà màng là một trong những cách giúp tăng sản lượng và năng suất trong nông nghiệp, đặc biệt là phương pháp trồng cây trong nhà màng với mục tiêu nhằm tạo ra cây trồng không bị sâu bệnh. Ngoài ra, còn duy trì sự phát triển khỏe mạnh của cây trồng, chống lại sự phá hoại của côn trùng hoặc sâu bọ, giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu độc hại. Tuy nhiên không phải lúc nào biện pháp trồng cây trong nhà màng cũng chống lại hết sự tấn công của sâu bệnh. Cùng Finom tìm hiểu các biện pháp quản lý sâu bệnh trong nhà màng nhé!
Quản lý khu vực trồng cây sạch khuẩn để ngăn sâu bệnh trong nhà màng
Một trong những cách đầu tiên để quản lý sâu bệnh trong nhà màng đó là chuẩn bị khu vực trồng cây an toàn và sạch khuẩn. Nhà màng có thể được khử trùng hoặc xử lý trước khi bắt đầu trồng một vụ mùa mới để giúp loại bỏ các vấn đề sâu bệnh, xử lý cỏ dại xung quanh cũng như dư lượng thuốc trừ sâu còn xót lại sau quá trình thu hoạch từ vụ trước nhằm tránh các mầm bệnh.
Chọn cây giống chất lượng, không mầm bệnh để ngăn sâu bệnh trong nhà màng
Việc lựa chọn cây không bị nhiễm bệnh để xuống giống là điều cực kỳ quan trọng. Kiểm tra cẩn thận tất cả các đầu vào trước khi đưa vào khu vực trồng trọt. Vứt bỏ, xử lý hoặc trả lại cây bị nhiễm bệnh và nếu có thể hãy giữ phần còn lại trong khu vực cách ly một thời gian để chắc chắn mầm bệnh đã được diệt bỏ hoàn toàn. Hãy sử dụng các loại cây chống chịu sâu bệnh tốt hoặc có khả chống chịu để giảm nhu cầu sử dụng đến thuốc trừ sâu, đồng thời tìm hiểu đặc điểm về sâu bệnh của cây giống sẽ giúp bạn lường trước các vấn đề trong suốt quá trình canh tác vụ mùa.
Cách phát hiện sâu bệnh trong nhà màng
Khi cây đã được trồng, có một số phương pháp dùng để theo dõi sự xuất hiện của sâu bệnh đang phá hoại cây trồng.
Bẫy dính côn trùng: Đặt bẫy dính côn trùng trong và xung quanh khu vực trồng cây để giúp phát hiện sớm sự xuất hiện của ruồi trắng, bọ trĩ, bọ phấn, rầy và rệp,… Bạn có thể kết hợp giữa bẫy dính côn trùng dạng miếng và dạng cuộn để hiệu quả tối ưu hơn.
Kiểm tra thường xuyên: Tiến hành kiểm tra thường xuyên, đặc biệt chú ý đến mặt dưới của lá. Thử đập các phần của cây lên giấy trắng để đánh bật các loài gây hại nhỏ xuống mặt giấy. Phương pháp này rất hữu ích trong việc phát hiện các loài gây hại khó nhìn thấy như bọ nhện và bọ trĩ. Trong nhà màng, thường xuyên kiểm tra các loại cây có khả năng hấp dẫn cao đối với một số loài gây hại nhất định.
Các chất kích thích: Pheromone là chất được tiết ra từ côn trùng nhằm tạo tín hiệu đặc biệt với các cá thể cùng loài.
Có ba loại pheromone cơ bản:
- Pheromone thu hút nhiều cá thể tại một địa điểm có nhiều thức ăn.
- Pheromone thu hút bạn tình của côn trùng.
- Pheromone đánh dấu trong quá trình di chuyển của côn trùng, chẳng hạn như kiến, nhằm để những con khác trong đàn có thể đi theo.
Các pheromone hóa học tổng hợp dựa theo các chất tự nhiên này được sử dụng để thu hút sâu bệnh gây hại, làm gián đoạn quá trình giao phối và theo dõi sâu bệnh gây hại. Ví dụ, trong sản xuất cây thông Noel, những người trồng có thể sử dụng pheromone để theo dõi thời kỳ hoạt động bay của loài bướm đêm Nantucket Pine tip. Nhưng bà con lưu ý, vì pheromone không giết được côn trùng nên không được xem là thuốc trừ sâu.
Các phương pháp cơ học để ngăn chặn và loại trừ sâu bệnh trong nhà màng
- Màn chắn: Màn chắn có thể loại trừ sâu bệnh khỏi nhà màng được đặt trước lỗ thông gió của quạt hút. Bạn hãy cẩn thận để không làm giảm lưu lượng gió và bảo trì thường xuyên để màn chắn đạt hiệu quả cao nhất.
- Vòi phun nước áp lực cao: Các thiết bị vòi phun nước áp lực cao có thể đánh bật nhện và một số loài rệp khỏi cây trồng một cách hiệu quả.
- Gài bẫy: Bẫy ánh sáng, bẫy dính côn trùng và bẫy pheromone có bề mặt dính thu hút và tiêu diệt một số loài côn trùng gây hại. Tuy nhiên, chúng không có khả năng diệt trừ tuyệt đối. Những bẫy này được sử dụng để theo dõi mật độ côn trùng gây hại theo thời gian và phát hiện sớm sự tấn công của chúng.
Để có kết quả tốt nhất:
- Sử dụng cùng một nhãn hiệu bẫy dính trong suốt thời gian theo dõi để bạn có thể ghi lại hình ảnh chính xác về mật độ côn trùng.
- Thay đổi bẫy hàng tháng và đếm sâu bệnh trên mỗi bẫy hoặc trên mỗi khu vực.
- Treo bẫy ngay phía trên tán cây ở giữa cây trồng, cũng như ở gần lỗ thông gió.